Lão Cửu Môn Danh_sách_nhân_vật_trong_tiểu_thuyết_Đạo_Mộ_Bút_Ký

Thời kỳ Dân Quốc, có một nhóm gia tộc trộm mộ ở vùng Trường Sa, Hồ Nam, họ được giang hồ gọi là 「Lão Cửu Môn; 老九門」 hay 「Cửu Môn Đề đốc; 九門提督」. Trong phạm vi khu vực đó, không ai không biết đến họ. Cả 9 gia tộc này đều có nhân số khổng lồ, chuyên buôn lậu văn vật cổ để kiếm tài sản, sở hữu đồ vàng vật quý hiếm đều phải thông qua 1 trong 9 gia tộc này. Cách gọi "Lão Cửu Môn" này được hình thành bởi vì các thành lớn thời cổ đều có 9 cửa, muốn thông qua thành đều phải chọn 1 trong 9 cửa. Xưng hô "Lão Cửu Môn" chính là muốn nói khi buôn bán ở Trường Sa đều phải tự chọn 1 trong 9 gia tộc này mà kết nối, nếu không sẽ không thể hành nghề. Từ sau khi Trường Sa giải phóng, Lão Cửu Môn trên danh nghĩa đã bị giải thể. Sau đó, trong giang hồ còn xưng gọi "Tân Cửu Môn", nhưng theo Ngô Tà ghi lại thì chỉ là tự phong, vĩnh viễn không sánh bằng Lão Cửu Môn được.

Lão Cửu Môn phân ra làm ba hạng:

  • "Thượng Tam môn" (上三門), đều là lão gia tộc giàu có, hơn nữa thân phận cũng đã chính thức được gột sạch. Cả ba gia tộc thuộc hạng này đều có cửa hàng buôn bán, hơn nữa còn có thế lực khổng lồ trong bộ máy nhà nước, trộm mộ thì chủ yếu chỉ dựa vào thủ hạ của mình.
  • "Bình Tam môn" (平三門), đây đều là những anh hùng can đảm, thủ hạ nhiều nhất cũng chỉ là vài người đồ đệ, cả ngày đi ở trong núi. Bọn họ đều tương đối còn tuổi trẻ, hơn nữa tham lam dục vọng cũng rất nặng, giết người cướp của đều làm được, danh tiếng đều là dựa vào chém giết mà thành.
  • "Hạ Tam môn" (下三門), đều là thương nhân bán đồ cổ, chủ yếu dựa vào việc mua đi bán lại là chính, tuy rằng bản lĩnh không kém thế nhưng cũng không hay tự mình hoạt động. Có quan hệ giao hảo với 3 gia tộc của Bình Tam môn nhưng ít lai vãng tới Thượng Tam môn.

"Thượng Tam môn" chính là người của Nhà nước, "Bình Tam môn" là đạo tặc, còn "Hạ Tam môn" còn lại là thương nhân. Câu chuyện cụ thể về Lão Cửu Môn được ghi trong hai Ngoại truyện "Lão Cửu Môn" và "Ngô Tà tư gia Bút ký" do Nam Phái Tam Thúc viết.

Đệ nhất môn Trương Khải Sơn (張啟山)

Đứng đầu Lão Cửu Môn, đứng thứ nhất trong Thượng Tam môn. Trương Khải Sơn có biệt xưng Trương Đại Phật gia (張大彿爺), bởi vì trong nhà có một pho tượng Phật rất lớn không biết là được đem tới từ đâu, vì vậy mới được đặt biệt hiệu là "Đại Phật gia". Xuất thân bên ngoài là một gia tộc phát đạt ở Trường Sa, thực tế là một nhánh khác của Trương gia núi Trường Bạch. Cha của ông vốn là con trai của Trương Khởi Linh tiền nhiệm tên Trương Thụy Đồng. Gia tộc này rất bí ẩn, tuổi thọ thường rất cao, do vậy chỉ chấp nhận người trong gia tộc lấy nhau để duy trì huyết thống "Kỳ Lân huyết" (麒麟血) hoàn hảo nhất để có được một Trương Khởi Linh vĩnh cữu. Sau đó cha của Trương Khải Sơn (không rõ tên) đã cùng một cô gái ngoài gia tộc họ Trương có con, ấy là Trương Khải Sơn. Theo luật lệ, Trương gia phải giết đi cái thai, nhưng người đàn ông chịu mất một cánh tay và rời khỏi Trương gia để cứu vãn, từ đó tạo nên thế lực của Trương Khải Sơn nằm ngoài Trương gia chính thống. Sau khi Trương gia chính gốc sụp đổ, Trương Khải Sơn thu lại rất nhiều người Trương gia, tạo nên một tập đoàn Trương gia lấy ông làm lĩnh tụ. Khoảng năm 1963, Trương Khải Sơn đứng đầu "Lần trộm mộ lớn nhất lịch sử" của Lão Cửu Môn nhưng thất bại thảm hại. Từ đó Trương gia chia làm hai phe, một ủng hộ Trương Khởi Linh (tức Muộn Du Bình), một lại phản đối Trương Khởi Linh, sau phe phản đối thắng lợi. Vợ ông là Doãn Tân Nguyệt (尹新月), con gái ông chủ Khách sạn Tân Nguyệt.

Đệ nhị môn Nhị Nguyệt Hồng (二月紅)

Đứng thứ 2 trong Lão Cửu Môn, là thứ hai trong Thượng Tam môn. Nhị Nguyệt Hồng còn có biệt xưng Nhị gia (二爺) hay Hồng gia (紅爺). Họ Hồng, không rõ tên thật, "Nhị Nguyệt Hồng" chỉ là nghệ danh dùng để làm nghệ sĩ. Nổi danh với nghề xướng Kinh kịch cổ, thực ra là để tiện hành nghề, đồ vật cùng vũ khí đều được để trong rương chứa đồ hát diễn. Việc chọn cách này là để tiện họ đi lại từ Nam ra Bắc mà không bị nghi ngờ. Khi trộm mộ, Nhị Nguyệt Hồng liền chỉ cần một cây trúc mà đu trên vách mộ. Sự tích được biết đến nhiều nhất là vì vợ mà chuộc thân. Vợ của Nhị Nguyệt Hồng không rõ tên họ, vốn là con gái nhà hàng xóm của ông, sau bị bán làm kỹ nữ, nhỏ hơn 5 tuổi so với Nhị gia nên được gọi là "Nha Đầu" (丫頭), nghĩa là "Cô nhóc". Câu chuyện Nhị gia chuộc vợ và tình cảm giữa ông và vợ mình được truyền bá rất nhiều, hoàn toàn không liên quan gì đến thân thế trộm mộ của ông. Sau khi vợ mất, Nhị Nguyệt Hồng trọn đời không lấy thêm vợ. Nhị Nguyệt Hồng qua đời khi 102 tuổi, thọ nhất trong Lão Cửu Môn, có 3 con trai.

Đệ tam môn Bán Tiệt Lý (半截李)

Đứng thứ 3 trong Lão Cửu Môn, là thứ ba trong Thượng Tam môn. Bán Tiệt Lý nguyên họ Lý, cũng gọi là Lão Lý (老李). Thời còn trẻ bị đánh gãy chân mà có danh xưng này. Tính tình tàn nhẫn độc ác và đa nghi. Hai tay rất mạnh, hơn nữa lại vô cùng linh hoạt, dáng người thấp bé, hai tay không so với người bình thường còn nhanh hơn nhiều, có thể đi vào rất nhiều nơi mà người thường không vào được, lấy được những thứ rất khó lấy. Ái mộ và yêu thầm chị dâu góa phụ, sau cưới luôn chị dâu và sinh một con trai.

Đệ tứ môn Trần Bì A Tứ (陳皮阿四)

Đứng thứ 4 trong Lão Cửu Môn, là đầu tiên trong Bình Tam môn. Trần Bì A Tứ, cũng gọi Tứ A công (四阿公), nguyên là đệ tử của Nhị Nguyệt Hồng. Tính tình tàn nhẫn độc ác, nổi danh nhất chính là việc giết đồ đệ, khi làm đồ đệ của ông ta thì rất nhanh giàu có, cũng có thể bị giết rất nhanh. Do vậy giang hồ cũng gọi là Thế đầu A Tứ (剃頭阿四), tức so việc ông ta giết người chỉ là tiện tay như cạo đầu mà thôi. Trần Bì A Tứ lại được đánh giá là người có thân thủ tốt nhất trong Lão Cửu Môn, một tay cầm viên bi sắt bắn đi so với súng còn chuẩn hơn, còn có thể sử dụng “Cửu trảo câu” phóng ra ngoài mười mấy thước để bắt vật, công phu này có thể chính xác tới mức có thể câu về một quả trứng gà cách 20 m mà không hề làm nó rơi vỡ. Sau vụ trộm tại Quảng Tây Cổ tháp vì giết dân làng Người Mèo và trộm văn vật mà bị thủ lĩnh Người Mèo chém mắt. Sau đó giao Trần Bì A Tứ cùng Bát trùng bảo hàm cho đội dân phòng địa phương. Vừa may ông ta có một người chiến hữu phụ trách dân phòng địa phương bảo lãnh cho, nhờ đó mới không bị xử bắn. Chiếc hộp kia được đưa đến bảo tàng, khi mở ra phát hiện vật trong hộp là Xà mi Đồng ngư. Sau này, ông chết trong chuyến đi đến Vân Đỉnh Thiên cung.

Đệ ngũ môn Ngô Lão Cẩu (吳老狗)

Đứng hàng thứ 5 trong Lão Cửu Môn, là thứ hai trong Bình Tam môn. Ngô Lão Cẩu là ông nội của Ngô Tà. Ông thường dùng một con chó đánh hơi mà tìm được các cổ mộ, nên được trong giang hồ xưng là 「Trường Sa Cẩu vương; 長沙狗王」, do vậy ông còn được gọi là Cẩu Ngũ gia (狗五爺). Vợ của Ngô Lão Cẩu, bà nội của Ngô Tà là một con gái nhà khuê các, vì hứng thú việc làm của Ngô Lão Cẩu mà gả cho ông, Ngô Lão Cẩu cũng ở rể tại Hàng Châu. Sau khi Ngô Lão Cẩu qua đời, bà ẩn dật suốt tại Hàng Châu. Xuất thân con cái nhà khuê môn đài các, Ngô lão thái thái từng là bạn từ thuở nhỏ của Hoắc Tiên Cô, sau vì hôn nhân với Ngô Lão Cẩu mà dần xa lánh nhau.

Đệ lục môn Hắc Bối Lão Lục (黑背老六)

Đứng hàng thứ 6 trong Lão Cửu Môn, là thứ ba trong Bình Tam môn. Hắc Bối Lão Lục, cũng gọi A Lục (阿六), xuất thân là một Đao khách thân thủ đơn độc, là người duy nhất trong Lão Cửu Môn xuất thân võ nghệ. Có tình cảm với một nữ tử Thanh lâu tên Bạch Dì, từng vì tìm lại bà ta mà một thân một mình đến Nam Cương chuộc về. Trong sự kiện Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (gọi gọn là "Kiếp nạn 10 năm"), Hắc Bối Lão Lục cùng Hồng vệ binh xảy ra mâu thuẫn nên bị đánh chết. Là gia tộc duy nhất trong Cửu Môn bị tuyệt hậu.

Đệ thất môn Hoắc Tiên Cô (霍仙姑)

Đứng hàng thứ 7 trong Lão Cửu Môn, là đầu trong Hạ Tam môn. Hoắc Tiên Cô còn có biệt xưng Thất cô nương (七姑娘), là nữ thủ lĩnh duy nhất trong Lão Cửu Môn. Từng có đoạn cảm tình với Ngô Lão Cẩu, sau lại gả cho quan lớn chính phủ. Nhà họ Hoắc trong Cửu Môn đều lấy nữ giới làm chủ. Mẹ của Hoắc Linh, bà nội của Hoắc Tú Tú, Ngô Tà gọi Hoắc lão thái thái (霍老太太). Trong sự kiện Trương gia Cổ lâu của "Đại kết cục", bị vây hãm trong bẫy mà chết, Ngô Tà chỉ có thể cắt đầu bà ra mai táng.

Đệ bát môn Tề Thiết Chủy (齊鐵嘴)

Đứng hàng thứ 8 trong Lão Cửu Môn, là thứ hai trong Hạ Tam môn. Tề Thiết Chủy rất am hiểu hỏi tính bói toán, hơn nữa đều cực kỳ chuẩn, do vậy cũng có biệt danh Kỳ môn Bát toán (奇門八算). Trước khi thành lập, địa bàn của Tề Thiết Chủy chính là trong quán trà cũ coi tướng số ở Trường Sa, so với các Đại môn khác như Trương gia, Hoắc gia cùng Giải gia thì Tề gia lại rất khiêm tốn. So với 8 người khác là cần hàng hóa để có thanh danh, Tề Thiết Chủy lại dựa vào sự mê tín của dân trộm mộ mà có chỗ đứng, nhiều người cũng thường thông qua Quán coi tướng số của Tề gia mà xin quẻ xăm coi bói, do vậy kế sinh nhai đều không tồi.

Đệ cửu môn Giải Cửu Gia (解九爺)

Đứng hàng thứ 9 trong Lão Cửu Môn, là cuối trong Hạ Tam môn. Giải Cửu Gia là nhỏ nhất, cũng gọi Tiểu Giải Cửu (小解九), cha của Giải Liên Hoàn, ông nội của Giải Vũ Thần. Một người có tâm kế, từng du học Nhật Bản, là người duy nhất trong Lão Cửu Môn có xuất thân học vấn. Giải gia gần như là một gia đình gương mẫu, không giống với những người đã nói phía trước, đặc điểm lớn nhất của Giải gia chính là không có đặc điểm. Đó là một gia tộc có thế lực trung bình nhất, bất kể là thủ hạ, kĩ thuật võ thuật, đường đi, Giải gia đều không phải là xuất chúng nhất, thế nhưng vẫn có chỗ để phát huy tác dụng. Sau khi Lão Cửu Môn bị giải tán, Giải Cửu Gia nương nhờ ở nhà Ngô Lão Cẩu, cùng Ngô gia thiết kế nên kế hoạch lớn chống lại chính phủ, đem một quan tài bí ẩn về dưới Hoàng lăng đời Nam Tống.